Làng cổ Đường Lâm

Bài và ảnh: Trần Định .
Đăng trên: Báo ảnh Việt Nam - 2005
 

Không gian văn hóa – kiến trúc làng là những biểu hiện sâu đậm của nền văn minh lúa nước Việt Nam từ bao đời nay. Có những miền quê hiện vẫn ẩn chứa những công trình kiến trúc và không gian văn hóa từ bốn, năm trăm năm và cả ngàn năm trước để lại, đang phôi phai theo tháng năm. Cụm bốn làng Mông Phụ, Cam Thịnh, Đông Sàng và Đoài Giáp thuộc xã Đường Lâm thị xã Sơn Tây, cách Hà Nội khoảng 40km là một nơi như vậy.

Đường Lâm là quê hương của hai đức vua hiển hách, có công lớn với nước với dân một thời. Đó là Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng (Thế kỷ VIII) và vua Ngô Quyền (Thế kỷ X).

Đình làng được xây dựng cách đầy 400 năm. Từ đây, có năm ngõ tỏa ra năm thôn. Năm ngõ này nối liền nhau. Cuối mỗi ngõ là điếm canh để người ta canh gác, bảo vệ xóm làng. Ở phía ngoài mỗi làng lại có quán làng. Mục đích xây những quán này là để đón những người con của làng qua đời ở nơi xa, trước khi đưa về làng chôn cất.

Mỗi thôn đều có một cái giếng làng. Hiện ở Mông Phụ còn lại cái giếng độc đáo là giếng Sui. Nước giếng rất trong, lại có bảng đề chữ nho “Nhất phiến băng tâm”, ý nói tấm lòng người dân Mông Phụ trong trắng như phiến băng. Ở phía đông và tây của đình làng cũng có hai cái giếng. Các cụ già giải thích rằng, hai giếng đó là hai mắt rồng.

Mông Phụ là làng to nhất xã. Cả làng có gần 400 hộ dân. Nghề chính ở Mông Phụ là nông nghiệp. Xa xưa, ở đây có nghề phụ dệt vải, nuôi tằm. Làng này có hơn 100 mái nhà được coi là nhà cổ. Đó là những nếp nhà mái lợp bằng ngói mũi (còn gọi là ngói vẩy cá). Căn nhà lâu đời nhất có tuổi thọ hơn 400 năm, còn lưu giữ được bài văn cúng tế bằng chữ nho được viết bằng mực tàu trên một tấm ván. Đó là căn cứ để các chuyên gia Hán – Nôm xác định được niên đại của căn nhà này. Chúng tôi ghé thăm căn nhà hơn 200 năm tuổi của vợ chồng cụ Phạm Văn Thu. Hai cụ đã gắn bó bên nhau gần bảy chục năm nay trong ngôi nhà này. Chúng tôi vào nhà đúng lúc cụ ông chậm rãi đọc Kiều cho cụ bà nhặt rau nghe. Cách nhà cụ Thu vài căn là nhà của cặp vợ chồng ông Nguyễn Văn Hùng và bà Lã Thị Thảo. Đây là căn nhà có tuổi trên 400 năm. Căn nhà cổ nhất này do các cụ tổ của ông Hùng để lại từ đầu thế kỷ XVI. Ông Thảo cho biết ngôi nhà này có từ đầu thế kỷ XVI.

Tuy nhiên, cụm làng cổ xứ Đoài này đang trở nên lộn xộn do thiếu qui hoạch. Có thôn, chỉ trong vòng vài ba năm, có tới gần 40 căn nhà mái bằng một đến hai tầng đã mọc thêm, "nhấn chìm" 30 căn nhà cổ có tuổi từ 200 đến 400 năm.

Trước thực trạng ấy, vừa qua Cục Bảo tồn Di sản văn hóa Nhật Bản hợp tác với Bộ Văn hóa và Thông tin Việt Nam vừa hoàn thành dự án xây dựng ngoại vi không gian bốn làng cổ nói trên. Những con đường làng, cổng làng và một bãi đỗ xe ở đầu làng đã được trùng tu và xây dựng mới.

Mông Phụ, Cam Thịnh, Đông Sàng và Đoài Giáp là những làng quê cổ kính, nên thơ với những mỹ tục tâm linh vô giá, những cấu trúc làng xóm nhà cửa cổ kính, hài hòa đặc trưng của không gian văn hóa làng xã Việt Nam ấy cần được gìn giữ trùng tu và bảo tồn cho muôn đời con cháu mai sau.


Cổng làng và cây đa đầu làng Mông Phụ.


Một góc làng cổ Mông Phụ.


Cổng của một trong những ngôi nhà cổ ở làng Mông Phụ.


Những ngôi nhà cổ, những ngõ xóm cổ ở Mông Phụ đang bị thời gian hủy hoại.


Nghề làm tương truyền thống ở Đường Lâm vẫn được lưu giữ ở gia đình ông Hà Nguyên Huyến.


Đình làng Mông Phụ có trên 400 năm tuổi.

Xem các bài khác